Gặp mặt Càn Long Sứ đoàn Macartney

Hoàng đế Càn LongHoàng đế Trung Hoa đến lều của ngài ở Tartary để tiếp Đại sứ Anh (1793) của William Alexander

Vào mỗi mùa thu, các hoàng đế Mãn Châu thường lãnh đạo một chuyến đi săn nghi thức ở phía bắc Vạn lý Trường thành. Dưới thời trị vì của ông nội Càn LongKhang Hi, một hoàng thành đã được xây dựng gần khu săn bắn Thừa Đức để làm nơi nghỉ ngơi cho hoàng đế và đoàn tùy tùng khi rời khỏi Bắc Kinh.[18] Thừa Đức chính là nơi mà Hoàng đế nhà Thanh chào đón quan chức nước ngoài, nhất là quan chức Trung Á.[19] Cũng tại đây, Sứ đoàn Macartney đến gặp mặt Càn Long nhân dịp mừng thọ hoàng đế. Càn Long tạm dừng cuộc đi săn để trở về Thừa Đức dự buổi gặp mặt, như ông từng làm vào hai năm 1754 và 1780 với các chuyến thăm của Amursana và Ban Thiền Lạt-ma thứ sáu.[20]

Vấn đề khấu đầu

Từ trước khi lên đường đến Trung Quốc, Macartney và Dundas đã lường trước được rằng có thể nảy sinh một số bất đồng với phía Trung Quốc về nghi thức và nghi lễ trong buổi gặp mặt hoàng đế. Dundas chỉ thị Macartney chấp nhận "mọi nghi lễ cung đình miễn là chúng không phạm thượng quân chủ hay làm giảm phẩm giá của bản thân", và không để bất kỳ "chuyện vặt vãnh" nào cản trở sứ đoàn.[3]:9–10[21] Nghi thức khấu đầu, yêu cầu mỗi cá nhân phải quỳ bằng cả hai gối và cúi đầu sao cho trán chạm mặt đất, đã gây ra một tình huống khó xử. Không chỉ trước hoàng đế, mọi cá nhân còn phải khấu đầu khi nhận thánh chỉ từ các sứ giả. Trong khi thương nhân Bồ Đào NhaHà Lan ở Quảng Châu chấp nhận khấu đầu trước thánh chỉ, người Anh coi việc này là hèn hạ và nhục nhã,[22] thường lánh mặt khỏi phòng mỗi khi phải nhận thánh chỉ.[3]:43–44

Điều khiến Macartney đắn đo là địa vị ngang hàng của hai vị quân chủ, George IIICàn Long. Macartney đinh ninh Anh hiện là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới.[3]:13 Tuy nhiên, với tư cách là một nhà ngoại giao, Macartney đã quyết định rằng trong bất kỳ nghi lễ nào mà ông tham gia, hai vị quân chủ đều được tôn kính ngang nhau. Trong một thông điệp gửi Khâm sai Trưng Thụy và Tổng đốc Lương Khải Đường khi Macartney đang ở Thiên Tân, Hòa Thân chỉ thị hai đồng nghiệp thông báo cho Macartney rằng ông sẽ bị coi là "hỗn xược" và "làm trò cười" nếu không chịu thực hiện nghi thức.[3]:102 Song, Macartney đã đệ trình lên Trưng Thụy một đề xuất bằng văn bản, đáp ứng yêu cầu của ông về sự bình đẳng địa vị: bất cứ nghi lễ nào Macartney cử hành, một quan chức Trung Quốc có cấp bậc tương đương cũng sẽ phải làm điều tương tự trước bức chân dung George III.[3]:169–170

Trưng Thụy phản đối đề xuất của Macartney, với lý do là quan niệm bình đẳng có đi có lại kiểu này không phù hợp với quan điểm của người Trung Quốc về việc hoàng đế là Thiên tử, thượng đẳng hơn tất cả. Như vậy, Sứ đoàn Macartney chỉ được coi như một phái đoàn triều cống bình thường mà thôi. Mặc cho Macartney và Stauton cứ khăng khăng những món đồ mà họ mang đến là "quà tặng", các quan chức Trung Quốc vẫn xem chúng đơn thuần là "cống phẩm".[3]:138–141 Bản thân Macartney chỉ được gọi là "cống sứ", không phải là "đại diện quân chủ" như ông từng tự gọi mình, trước sự khó chịu của hoàng đế.[3]:87–89

Sự thỏa hiệp của Càn Long về vấn đề nghi thức, được nêu trong một thánh chỉ ngày 8 tháng 9 (ngày sứ đoàn đến Thừa Đức), cho phép Macartney khấu đầu một lần thay vì chín lần như truyền thống.[3]:192–197 Tuy nhiên, Stauton đã đệ trình đề xuất của Macartney lên Hòa Thân một ngày sau khi đến Thừa Đức, nhắc lại lập trường của người Anh. Không có phương hướng thỏa hiệp nào khả dĩ và chỉ còn vài ngày nữa là buổi gặp mặt sẽ được tổ chức. Càn Long ngày càng mất kiên nhẫn và đã xem xét hủy bỏ hoàn toàn buổi gặp mặt.[3] Cuối cùng, người Trung Quốc đồng ý để Macartney quỳ trước Hoàng đế Càn Long như cách ông vẫn làm trước quân chủ của mình, chỉ chạm một đầu gối xuống đất, bỏ qua hôn tay vì là hành động phạm thượng.[3]:201–202

Buổi gặp mặt

Buổi gặp mặt Hoàng đế Càn Long diễn ra vào ngày 14 tháng 9. Người Anh khởi hành từ dinh thự của họ lúc 3 giờ sáng trong bóng đêm và đến trại hoàng gia lúc 4 giờ. Buổi gặp mặt được tổ chức trong lều hoàng gia, một cái yurt lớn màu vàng, bên trong có ngai vàng của hoàng đế đặt trên lễ đài được tôn cao. Vài ngàn người tham dự buổi gặp mặt, bao gồm cả các du khách nước ngoài, Tổng đốc Lương Khải Đường và con trai Càn Long, Hoàng đế Gia Khánh tương lai. Hoàng đế đến lúc 7 giờ, chủ trì các nghi lễ như một vị hãn. Macartney bước vào lều cùng George, Thomas Stauton, và thông dịch viên tiếng Trung của họ. Những thành viên sứ đoàn khác thì chờ ở bên ngoài.[3]:216–221

Macartney bước lên lễ đài trước, quỳ một lần, trao đổi lễ vật với Càn Long và trình bức thư của Vua George III. Tiếp theo là George Staunton, và cuối cùng là Thomas Staunton. Vì Thomas có học qua tiếng Trung nên hoàng đế ra hiệu cho cậu nói thử vài từ. Theo sau người Anh là sứ thần từ các quốc gia khác, những người rất hiếm xuất hiện trong các ghi chép. Một bữa tiệc được tổ chức sau đó để kết thúc chuỗi sự kiện trong ngày. Người Anh được ngồi bên trái hoàng đế, ở vị trí trang trọng nhất.[3]:225–230

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sứ đoàn Macartney http://www2.sl.nsw.gov.au/banks/series_62/62_view.... http://www.highbeam.com/doc/1P2-8869595.html http://www.history.ucsb.edu/faculty/marcuse/classe... //doi.org/10.1093%2Fahr%2F122.3.680 https://press.anu.edu.au/publications/britains-sec... https://books.google.com/books?id=6qFH-53_VnEC https://books.google.com/books?id=KN7Awmzx2PAC https://books.google.com/books?id=TeCYXRkc_UUC https://books.google.com/books?id=Uj6d9_4F0EIC https://books.google.com/books?id=ZRWAAQAAQBAJ